Cách trang trí bàn thờ gia tiên ngày cưới theo từng miền
Bàn thờ gia tiên luôn là nơi diễn ra các nghi thức trang trọng như cưới hỏi,... Vậy cách trang trí bàn thờ gia tiên trong ngày cưới thế nào cho đẹp và hợp lý? Cùng Đám cưới online tìm hiểu trang trí bàn thờ gia tiên theo từng miền nhé.
Mục lục:
1. Cách trang trí bàn thờ gia tiên trong ngày cưới ở Miền Bắc
Người miền Bắc vốn rất coi trọng những giá trị truyền thống mà ông cha để lại. Thậm chí, họ còn rất cẩn trọng trong từng vật phẩm trên bàn thờ để tránh những điều tối kỵ, ảnh hưởng tới tâm linh, tiền tài, sức khỏe của gia đình. Bàn thờ gia tiên thường được đặt ở giữa, hướng nhìn ra cửa chính. Trong ngày cưới, gia chủ có thể sắp xếp bàn thờ với mâm ngũ quả kết hình long phụng sum vầy tăng sự sang trọng và thể hiện khao khát, ước muốn về một gia đình đoàn kết, hạnh phúc cho đôi bạn trẻ.
Trong ngày này, gia chủ nên thắp hương vòng hoặc đốt trầm hương trong đỉnh đồng để xông hương, tạo không khí thiêng liêng cho không gian. Và hoa tươi là vật phẩm không thể thiếu. Lọ hoa được đặt hai bên bàn thờ, thường cắm các loại hoa: hoa lay ơn, hoa loa kèn, hoa hồng,...Thêm vào đó là một con gà luộc chín tới, hình dáng phải nguyên con, không bong da, lệch lạc (tốt nhất là gà luộc mổ moi) và một đĩa xôi gấc đỏ; hoa quả, chè thuốc,..
Bên cạnh đó, sau ngày lễ ăn hỏi, nhà gái sẽ lấy một phần sính lễ mà nhà trai mang sang để đặt lên bàn thờ gia tiên bao gồm: chè, thuốc, rượu và nhà trai cũng mang mâm “lại quả” về thắp hương trên bàn thờ.
Bàn thờ gia tiên của người miền Bắc thường được trưng bày thêm bộ hoành phi câu đố hai bên, nhất là với gia đình là con trưởng thì cách trang trí bàn thờ gia tiên trong ngày cưới có thể phức tạp hơn, nhiều thứ hơn như: đèn nến, rượu thịt,...
Xem thêm:
2. Cách trang trí bàn thờ gia tiên trong ngày cưới ở Miền Trung
Mảnh đất miền Trung là nơi chứng kiến quá nhiều tội ác của chiến tranh, cả những hi sinh anh hùng của ông cha ta để giành lại độc lập cho dân tộc. Chính vì vậy, mặc dù ngôi nhà có thể nhỏ, cuộc sống không đủ đầy nhưng người miền Trung vẫn rất quan tâm, chăm chút tới bàn thờ gia tiên với tấm lòng tôn kính, hiếu thảo nhất.
Không quá cầu kì như người miền Bắc nhưng bàn thờ gia tiên trong đám cưới của người miền Trung cũng được chuẩn bị rất chu đáo và cẩn thận.
Ngoài những vật phẩm quen thuộc, trên bàn thờ gia tiên còn có mâm lễ cúng với đầy đủ trầu cau, rượu chè, đôi nến tơ hồng và bánh phu thê - bánh đặc trưng của ngày cưới. Đặc biệt, người miền Trung không không sử dụng heo quay để dâng lên bàn thờ gia tiên trong ngày hỉ sự này.
3. Cách trang trí bàn thờ gia tiên trong ngày cưới ở Miền Nam
Với người miền Nam, mặc dù có lối sống thoáng và thoải mái nhưng lễ cưới là một dịp vô cùng quan trọng và cần sự đầy đủ của các lễ nghi và yếu tố thẩm mỹ. Bàn thờ gia tiên thường được đặt ngay tại phòng khách rộng rãi nhất để đảm bảo được sự trang trọng, linh thiêng nhất cho ngôi nhà.Trong ngày cưới, bàn thờ gia tiên sẽ được treo phông đỏ, treo chữ hỷ và đôi câu đối. Trong đó, các vật phẩm như: bát hương, lư đồng, đôi chân nến, đèn thờ đã được lau rửa sạch sẽ; mâm ngũ quả được trang trí đẹp mắt với các loại hoa quả đặc trưng như: lê, nho, cam, mãng cầu, bưởi, chuối,....Một số gia đình có thể đặt ảnh tổ tiên, ông bà hoặc ngai thờ,....
Một điểm ấn tượng trong cách trang trí bàn thờ gia tiên trong ngày cưới ở miền Nam là đôi nến lớn khắc hình long phụng được nhà trai mang đến trong ngày lễ ăn hỏi và nhà gái cũng chuẩn bị sẵn một cặp chân nến và thắp trên bàn thờ tổ tiên trong ngày đón dâu. Có hai loại: đôi đèn cầy của người theo đạo Phật hoặc không theo đạo là đèn cầy long phụng màu đỏ, đèn cầy của người theo đạo Thiên Chúa thường là màu hồng.
Bàn thờ gia tiên là một phần không thể thiếu trong cuộc sống và luôn được duy trì, giữ vững từ đời này qua đời khác. Tuy có sự khác nhau trong cách trang trí bàn thờ gia tiên trong ngày cưới của từng vùng nhưng nhìn chung đều thể hiện sự kính trọng với tổ tiên, nguồn cội và cũng góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.