Ý NGHĨA CỦA TỪNG MÂM QUẢ CƯỚI
Mâm quả cưới từ xưa đến nay luôn được xem là truyền thống của người Việt Nam và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Mâm quả cưới được xem là sính lễ mà nhà trai gửi đến nhà gái để thể hiện sự chân thành, lời mở đầu kết giao giữa hai nhà, mở đầu cho một mối quan hệ mới. Nhưng tùy từng vùng miền mà số lượng mâm quả cưới có thể khác nhau. Vậy ý nghĩa mỗi mâm quả cưới là gì? Các cặp đôi hãy cùng Đám cưới online tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Mục Lục:
- Mâm thứ 1: Trầu cau
- Mâm thứ 2: Trái cây
- Mâm thứ 3: Bánh cốm – Bánh phu thê – Bánh kem
- Mâm thứ 4: Trà – Rượu
- Mâm thứ 5: Gà – Xôi – Heo quay
- Mâm thứ 6: Áo dài – Vải – Trang sức cưới
- Mâm thứ 7: Tiền thách cưới – Cặp nến tơ hồng
1. Mâm thứ 1: Trầu cau
Cách tính số lượng trầu cau trong mâm quả của người xưa là 01 quả cau = 02 lá trầu. Còn hiện nay, nhiều người thay đổi theo lối hiện đại lại chuộng cách chọn buồng cau với 105 quả, với ý nghĩa nói lái “trăm năm hạnh phúc”, hoặc có khi chọn buồng cau 60 quả theo cách ví von “60 năm cuộc đời”.
Không chỉ là số lượng và còn về màu sắc khi màu xanh lá trầu hòa quyện cùng với múi cau và một chút vôi trắng tạo thành màu đỏ tươi. Là một minh chứng cho sự hoàn hảo và một tình yêu bền chặt.
Xem thêm: Cách trang trí bàn thờ gia tiên ngày cưới theo từng miền
2. Mâm thứ 2: Trái cây
Mâm quả trái cây sử dụng trong lễ cưới thường là “mâm ngũ quả”, nghĩa là năm loại trái cây khác nhau, được dùng để trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách. Các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng.
Mâm ngũ quả của người miền Bắc thường gồm: cam, táo, lê, đào, hồng. Gia đình người miền Nam lại thường kiêng kỵ những trái có tên mang ý nghĩa xấu, nên mâm trái cây của họ không có cam (“quýt làm cam chịu”), lê (“lê lết”), táo (người Nam gọi là “bom”), lựu (“lựu đạn”) và không chọn trái có vị đắng, cay nên mâm trái cây người miền Nam thường là: xoài, mãng cầu, thanh long, nho, táo Mỹ đỏ. Tuy nhiên, hiện nay phong tục về mâm quả trái cây trong ngày cưới không còn giữ nguyên vẹn và khắt khe như xưa, mọi việc hai bên gia đình nhà trai – nhà gái đều có thể bàn bạc trước với nhau, và thuận theo ý muốn chung của hai gia đình. Và mâm hoa quả được kết với nhiều màu sắc ngụ ý cầu mong cho tình yêu, cuộc sống của đôi uyên ương mới sẽ ngọt ngào, tươi mới suốt cả cuộc đời.
3. Mâm thứ 3: Bánh cốm – Bánh Phu Thê – Bánh kem
Có rất nhiều loại bánh được sử dụng trong mâm quả, tùy thuộc vào từng vùng miền, như bánh pía, bánh đậu xanh, bánh bông lan… nhưng các loại bánh phổ biến nhất trong mâm quả đó là: bánh Phu Thê (Xu Xê), bánh Cốm, bánh Kem… và mỗi loại mang một ý nghĩa khác nhau.
Với bánh Phu Thê thì chữ “Phu Thê” trong tiếng Hán có nghĩa là “vợ chồng”, tượng trưng cho ước vọng về sự thủy chung, son sắt, bền chặt trong tình yêu. Chiếc bánh Phu Thê là sự hài hòa của đất trời, thể hiện triết lý âm dương đồng thuận. Phần nhân được đặt trọn trong phần bột đã dàn mỏng thể hiện sự ôm ấp, che chở của tình nghĩa Phu Thê.
Bánh cốm là loại bánh luôn có mặt trong các mâm quả cưới miền Bắc. Bánh có hình tròn là hình bầu trời, tượng trưng cho cực dương. Ngày cưới có âm, có dương sẽ tạo nên sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc cho cô dâu, chú rể sau này.
Bánh kem được tiếp thu từ phương Tây và ngày nay đã góp mặt trong nghi lễ. Bánh kem không chỉ mang tính chất trang trí mà còn thể hiện cá tính của đôi uyên ương, cũng như chúc phúc cho cô dâu, chú rể thêm gắn bó thông qua hình ảnh cắt bánh cưới trước toàn thể quan viên hai họ, với ý nghĩa tượng trưng cho sự đồng lòng, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống tương lai. Nhiều người cũng cho rằng, bánh cưới thể hiện mong muốn của mọi người, cầu chúc cho tình yêu của đôi uyên ương luôn ngọt ngào như chiếc bánh.
4. Mâm thứ 4: Trà – Rượu
Ông cha ta có câu: “Khách đến nhà không trà thì rượu”. Những cuộc hội vui, họp mặt gia đình, bạn bè của người Việt đều không thể thiếu hai thứ nước này. Mâm quả có trà và rượu sẽ được dâng lên bàn thờ trong quá trình cử hành nghi thức, mang ý nghĩa tâm linh như là lời con cháu kính hiếu mời các vị cao niên, ông bà tổ tiên cùng chứng giám cho đôi trẻ và cũng là để xin phép tổ tiên cho đám cưới được diễn ra vui vẻ, hạnh phúc.
5. Mâm thứ 5: Gà – Xôi – Heo quay
Xôi gấc có màu đỏ cam (màu son) với ý nghĩa mang lại sự may mắn và ca ngợi sự son sắt, thuỷ chung của tình chồng nghĩa vợ. Xôi gấc trong mâm quả cưới sẽ được đóng thành năm khuôn trái tim có in hình chữ Hỷ hoặc một khuôn tròn như cái chén, đặt bên trên mâm xôi gấc thường có thêm một con gà với ý nghĩa “gà đẻ trứng vàng” mang đến sự sung túc và hạnh phúc.
Heo quay cùng với con gà chính là hai lễ vật thuộc tính “mặn” phổ biến nhất trong mâm quả cưới (cách chọn mâm quả cưới thông thường sẽ được chọn lựa theo cách thức sau đây: Trầu – Cau, Trà – Rượu, Mặn – Ngọt). Tùy vào từng gia đình mà có thể chọn heo sữa quay hoặc heo quay loại lớn (thường có trọng lượng từ 10-12 kg/con). Heo quay thường có kích cỡ khá lớn nên không thể cho vào bên trong mâm quả mà phải để riêng và có hai người khiêng, nhưng vẫn được xem là một mâm trong sính lễ cưới. Heo quay được dùng làm sính lễ cưới hỏi còn mang ý nghĩa chúc cô dâu, chú rể sớm có tin vui và phát tài phát lộc.
6. Mâm thứ 6: Áo dài – Vải – Trang sức cưới
Mâm quả áo dài chỉ thường xuất hiện ở miền Nam được gia đình chồng chuẩn bị sẵn và chỉ dành cho cô dâu. Sau khi nhà gái nhận mâm quả mới đưa áo dài về sau nhà hoặc phòng cô dâu, cô dâu mặc bộ áo dài này rồi mới ra chào hai họ. Quả cưới này mang ý nghĩa khi về nhà chồng, cô dâu sẽ được gia đình bên chồng chăm sóc, lo lắng và có cuộc sống no đủ, hạnh phúc trọn đời bên người chồng như ý.
Không thể bỏ qua: Tất tần tật thực đơn đám cưới 3 miền
7. Mâm thứ 7: Tiền thách cưới – Cặp nến tơ hồng
Tiền thách cưới được coi như món quà, là lời cám ơn chân thành của nhà trai dành cho nhà gái vì đã có công sinh thành, nuôi dưỡng con dâu mà họ sắp rước về. Xét về mặt ý nghĩa khác, số tiền này cũng được xem như là nhà trai góp một phần công sức, tiền của vào việc chăm lo cho con dâu trước ngày thành hôn. Nhà gái có thể đưa số tiền này cho cô dâu để sắm sửa quần áo, tư trang trước khi về nhà chồng.
Khi nhà trai đến nhà gái rước dâu, trong lễ vật dâng lên tổ tiên không thể thiếu đôi đèn cầy đám cưới. Đây được xem là lễ vật rất quan trọng, là nét riêng biệt của những đám cưới ở Nam Bộ so với các vùng miền còn lại bởi người miền Nam cho rằng, lửa tượng cho cuộc sống gia đình được êm ấm, bình yên và hạnh phúc. Nghĩa là vợ chồng yêu thương nhau cũng giống như “giữ lửa trong gia đình” luôn được tồn tại và kéo dài mãi với thời gian. Cặp nến tơ hồng sẽ do một người cao tuổi có gia đình hạnh phúc thổi tắt sau khi lễ xong để lấy may cho đôi trẻ cũng có cuộc sống hôn nhân như vậy.
Đám cưới online mong rằng bài viết ở trên có thể giúp các cặp uyên ương hiểu hơn về những mâm quả cưới để chuẩn bị cho một lễ cưới thiêng liêng nhất của cuộc đời mình.